Bạn băn khoăn về cách học từ vựng sao cho nhớ lâu nhất???
Bạn mất quá nhiều thời gian để học từ vựng nhưng đã thật sự hiệu quả?
Bài viết này Tôi Tự Học sẽ giúp bạn giải quyết những khó khăn trong việc học từ vựng nhé. Cùng tham khảo nè. Nhớ áp dụng đều đặn thì mới hiệu quả nha.
Trước khi áp dụng các phương pháp dưới đây, bạn cần quyết tâm thực hiện kế hoạch học từ này theo các quy tắc sau :
+ Học đều đặn mỗi ngày ít nhất 3 từ và nhiều nhất 10 từ. Trường hợp ngày nào cần phải học một lượng từ lớn theo bài vở ở lớp, bạn vẫn học bên cạnh 10 từ quy định hàng ngày.
+ Không bỏ một ngày nào, trường hợp ngày không có thời gian cũng dành 10 phút cho 3 từ mới và 5 phút xem lại ôn lại các từ đã học của ngày xa nhất. Ví dụ bạn bắt đầu chiến lược học từ vào ngày 1 tháng 1 năm 2011 thì ngày 10 tháng 1 bạn nên xem lại từ đã học ở ngày 1 tháng 1.
Sau đây là các phương pháp bạn có thể chọn để thực hiện chiến lược chinh phục từ vựng tiếng Anh :
1. Phương pháp 5 bước 7 lần nhớ từ
+ Bước 1 : Đọc to với phát âm chuẩn từ mà bạn cần học : Khi chuẩn bị học một từ mới nào đó, bạn nên mở từ điển điện tử như kim từ điển hay từ điển Lạc Việt hoặc cũng có thể chọn từ theo đoạn hội thoại của người bản xứ để nghe và lặp lại chính xác cách phát âm, sau đó đọc to nhiều lần cách phát âm của các từ mà trong danh sách học một ngày của bạn.
+ Bước 2: dùng các mẹo như liên tưởng từ có âm gần giống (homophonic method), phân giải từng bộ phận của từ, dùng từng ký tự của từ để ký hiệu hóa từ đang học thành một câu tiếng Việt nhằm nhớ cả spelling(cách đánh vần). Ví dụ : run thì liên tưởng đến chữ run trong tiếng Việt, hoặc cách phân giải từ cho các từ như chalkboard (bảng viết bằng phấn) = chalk (phấn) + board (bảng).v.v…
+ Bước 3: Hồi tưởng hai chiều Việt <–> Anh. Nghĩa là đọc từ tiếng Anh nghĩ trong đầu nghĩa tiếng Việt, sau đó đọc từ tiếng Việt nghĩ trong đầu nghĩa tiếng Anh.
+ Bước 4: Chuỗi (series) tức thông qua liên tưởng một chuỗi ngữ cảnh có từ đang học để nhớ từ.
+ Bước 5: Đặt câu, tức là dùng từ đang học viết thành câu.
+ Cuối cùng là 7 lần ôn lại từ :
Lần 1/ Nhìn lại danh sách từ của ngày đó sau 20 phút tính từ lúc học xong.
Lần 2/ sau 1 tiếng.
Lần 3/ Sau 2 tiếng.
Lần 4/ Sau 1 ngày.
Lần 5/ Sau 1 tuần.
Lần 6/ Sau 1 tháng.
Lần 7/ Sau 3 tháng.
Nghĩa là khi lập danh sách từ cho từng ngày, bạn nhớ đánh dấu số thứ tự danh sách rồi sau khi học xong bạn ghi giờ nào và ngày nào ôn lại danh sách nào.
2. Phương pháp tỉ mỉ hóa từ vựng
Phương pháp này dựa theo thuyết tỉ mỉ hóa thông tin trong quá trình xử lý thông tin của não bộ đã được nêu trong bộ môn tâm lý giáo dục. Bao gồm các mẹo như sau :
– Thị giác hóa từ vựng : nghĩa là bạn gắn cho từ đang học một hình ảnh nào đó. Nếu từ đó là danh từ chỉ sự vật thì đương nhiên là dễ, nếu từ là động từ, hoặc tính từ thì đòi hỏi sự sáng tạo của chính bạn. Ví dụ : obesity (béo phì) thì chữ ob đầu nhìn như người bụng bự, béo ú.v.v…
– Hoặc bạn cũng có thể chia từ thành hai phần và liên kết nghĩa để giải thích tỉ mỉ từ đó. Ví dụ : lineage (huyết thống) = line (đường vạch) + age (thế hệ, tuổi tác) = huyết thống là đường nối các thế hệ trong gia đình .v.v…
– Sử dụng mindmap (sơ đồ ý) để vẽ sơ đồ các từ có nghĩa liên quan.
3. Phương pháp học theo đặc tính ngôn ngữ
– Sử dụng các tiếp vĩ ngữ hoặc tiếp đầu ngữ để học từ phái sinh. Ví dụ : co- : cùng nhau, hợp sức –> coworker (đồng nghiệp), collaborate (cộng tác)…
– Học từ và liên tưởng đến từ đồng nghĩa cũng như trái nghĩa của từ đó (nếu có)
Chúc các bạn áp dụng được phương pháp trên vào việc học từ mới của mình!
(Source: Internet)