Ba năm không phải là dài, nhưng là đủ để nhận ra sự thay đổi của một sinh viên từ lúc mới bỡ ngỡ bước chân vào cổng trường đại học đến khi trở thành một người trưởng thành hơn với nhiều lần vấp ngã. Nhưng sau mỗi vấp ngã, cái chất lửa thuở ban đầu của họ hình như lại dần tàn đi (?).
Xin mở đầu bằng một câu chuyện từ lớp K50BC trường ĐH KHXH & NV (ĐH QGHN). Giảng viên chủ nhiệm là cô giáo Nguyễn Thu Giang. Trong buổi sinh hoạt lớp đầu tiên, cô phát cho mỗi sinh viên một tờ giấy trắng và một bì thư, yêu cầu sinh viên của cô viết tất cả những mơ ước, dự định trong tương lai và những điều hiện tại họ đang muốn làm vào tờ giấy, bỏ vào bì thư, cô sẽ cất giữ hộ và trả lại sau 3 năm, tức là ngày sinh hoạt lớp đầu tiên của năm cuối.
Sau 3 năm, đến 40% sinh viên không thể nhớ hết một nửa những gì mình ghi trong tờ giấy đó, 50% hoàn toàn không nhớ nổi chi tiết nào và 10% còn lại không nhớ có sự kiện đó (!). Có phải họ quên mất những gì là ước mơ, hoài bão của 3 năm trước? Hay nó đã dần chết đi trong 3 năm vì không được nuôi lớn? Phải làm gì khi ngọn lửa nhiệt huyết đã tàn?
Vỡ mộng…
“Lửa không phải đến bây giờ mới hết, mà hết từ năm thứ nhất rồi. Trước khi là sinh viên, tớ đã hy vọng môi trường đại học phải là một môi trường lý tưởng để tớ nuôi lớn và thực hiện ước mơ của mình. Ai ngờ năm nhất toàn phải học những môn chính trị khô như ngói, năm thứ 2 có được vài môn chuyên ngành thì chỉ toàn lí thuyết suông, không được thực hành, điểm số vẫn tính theo số trang, đi học vẫn điểm danh và thi lí thuyết…” – Mơ – Sinh viên năm cuối chuyên ngành báo điện tử học viện Báo Chí Tuyên Truyền Hà Nội.
Nhưng cơn khủng hoảng đáng sợ nhất là khi sắp cầm được tấm bằng trên tay với nỗi lo sợ không tìm được việc làm. Nhung, sinh viên Ngân hàng thừa nhận: “Từ khi bước chân vào giảng đường đại học tôi đã quyết tâm học thật giỏi để có thể tìm một công việc tốt, đúng ngành mà mình yêu thích, nhưng điều đó chỉ là cần chứ không đủ để chinh phục các nhà tuyển dụng. Cái họ cần là kinh nghiệm làm việc, mà sinh viên mới ra trường thì làm sao có kinh nghiệm?”.
Đây chính là một nguyên nhân quan trọng khiến ngọn lửa nhiệt huyết của sinh viên chưa kịp cháy đã tàn dần theo năm tháng. “Mình càng học càng không biết ra trường mình sẽ làm gì, không đủ tự tin với những gì mình có, không có ai tư vấn cho mình biết mình phải làm gì, nên làm gì… Chán nản lắm.” – Nguyễn Thị Diệp – Sinh viên lớp 50- VLXD trường Đại học Xây dựng thổ lộ.
Có những sinh viên trong suốt 3 năm tự trói mình lại bằng nguyên tắc 3 không: không nói, không nghe và không tham gia, cuộc sống chỉ bó hẹp từ nhà trọ đến trường, rồi từ trường về nhà trọ, không tham gia các hoạt động ngoại khóa, không giao lưu bạn bè…
“Năm thứ nhất, mình đi làm thêm để cho cuộc sống đỡ nhàm chán và bản thân thêm năng động, rốt cuộc bị lừa toi mất 2 tháng lương, mất cả chi phí cho trung tâm môi giới. Sau đó mình nghĩ làm sinh viên tốt nhất chỉ nên học, học và học thôi”, tâm sự của Nguyễn Phương Thảo, sinh viên lớp K50 Quốc tế, trường ĐH KHXH&NV.
"Cứ đi rồi sẽ đến"
Học đại học 4- 5 năm, nhưng tấm bằng đại học mới chỉ là chiếc vé để bạn bước qua cánh cổng vào đời. Có những công việc có thể không đúng ngành nghề nhưng có thể tạo cho bạn nhiều kỹ năng và kinh nghiệm. Dám lao vào thử thách, bao giờ bạn cũng nhận được một điều gì đó quý giá cho cuộc đời còn dài phía trước.
“Thời sinh viên tôi lăn xả nhiều, thất bại nhiều, nhưng tôi chưa bao giờ từ bỏ ước mơ của mình. Các bạn còn là sinh viên, còn tuổi trẻ, nên mạnh dạn làm nhiều công việc khác nhau để lấy kinh nghiệm, nên gần gũi với thầy cô nhờ thầy cô tư vấn cho về nghề nghiệp tương lai, và nếu may mắn, có thể bạn sẽ được thầy cô giới thiệu cho việc làm”, Anh Phạm Trần Mạnh Trang, Trưởng phòng nhân sự công ty Unilever chia sẻ.
Theo anh Thắng, các bạn sinh viên trước hết phải xác định rõ công việc mình muốn làm sau khi ra trường, sau đó phân tích xem đối với công việc đó, đâu là kỹ năng “cứng”, đâu là kỹ năng “mềm”. Kỹ năng “cứng” là những kiến thức bạn đã được trang bị trong nhà trường. Còn với kỹ năng “mềm”, cách duy nhất để trau dồi là phải luyện tập, học hỏi thường xuyên, tạo cho mình một phản xạ tức thời mỗi khi gặp các tình huống cần thiết.
Còn anh Nguyễn Quang Tiệp, trợ lý Tổng giám đốc công ty FPT bày tỏ kinh nghiệm: "Bề dày gần 20 năm làm cán bộ lớp, hoạt động xã hội, đặc biệt là thời sinh viên với vô vàn hoạt động ngoại khóa hữu ích đã rèn luyện cho tôi kỹ năng hòa nhập và xây dựng quan hệ. Vì thế, lời khuyên của tôi là các bạn trẻ hãy chủ động tham gia các hoạt động tập thể, rồi bạn sẽ cảm nhận rất rõ lợi ích khi ra trường”.
Thời đại học, bạn học được rất nhiều, nhưng cuộc sống vẫn còn nhiều điều khác phải học. Bạn còn là sinh viên, tức là bạn còn cơ hội, đừng để những suy nghĩ chán nản nhất thời làm cơ hội lần lượt trôi qua rồi trở thành vô vọng. Cứ đi rồi sẽ đến!
(Theo: vtc.vn)