(Theo Tuổi Trẻ Online Ngày12/10/2010)
TT – Khi Phạm Văn Thịnh hay tin mình đỗ ĐH Điện lực cũng là lúc người mẹ ngã bệnh liệt giường. Trước ngày nhập học mấy hôm, mẹ Thịnh ra đi. Người mẹ khi còn sống là người đi giúp việc để nuôi Thịnh ăn học.
Thịnh chuẩn bị bữa cơm cho mình. Bữa cơm chỉ có cơm, không có thức ăn – Ảnh: Đ.Bình
Tấm lòng người mẹ, người cha,. Và thật đau lòng khi Thịnh phải nhập trường bằng chính những đồng tiền nghĩa tình của người thân, xóm giềng đến phúng điếu mẹ… Phạm Văn Thịnh (quê Phú Châu, Ba Vì, Hà Nội) là một trong số 100 tân SV nghèo vượt khó nhận học bổng “Tiếp sức đến trường” (khu vực Hà Nội) của báo Tuổi Trẻ lần này.
500 triệu đồng cho 100 tân sinh viên Lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” năm 2010 dành cho 100 tân sinh viên vượt khó, học giỏi của khu vực phía Bắc đậu vào các trường đại học, cao đẳng tại thủ đô Hà Nội sẽ được tổ chức chiều 14-10-2010 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Mỗi suất học bổng trị giá 5 triệu đồng cùng quà tặng. Học bổng do Ngân hàng HSBC tài trợ với tổng kinh phí 500 triệu đồng. T.O. |
Trong căn phòng trọ chật hẹp nằm sâu tít trong một ngõ nhỏ ở một xã ngoại thành Hà Nội, Thịnh trông gầy gò, đen đúa. Thịnh buồn buồn bày tỏ: “Nhà em thuộc diện nghèo khó nhất nhì xã Phú Châu. Xã hội như một bức tranh muôn màu sắc, có những màu sáng và có cả những màu tối. Có những người được sống hạnh phúc bên người thân yêu của mình, nhưng cũng có những đứa trẻ như em không được cuộc sống ban cho hạnh phúc bình dị ấy”.
Bố mẹ Thịnh chỉ có hai người con, Thịnh là anh cả (sinh năm 1992), còn cậu em nhỏ hơn 3 tuổi. Nhà nghèo, chỉ có hai sào ruộng không đủ nuôi sống bốn miệng ăn nên bố phải ngược xuôi đi làm thuê phụ mẹ nuôi anh em Thịnh.
“Hồi nhỏ em nhớ bố lúc nào cũng tất bật, ăn xong buông đũa, buông bát là lại lao ra ngoài đường. Có lẽ vì thế mà bố bị bệnh dạ dày nặng lắm. Bố bảo bố có ốm cũng không sao, nhưng hai anh em thì phải đi học. Nhà nghèo, đất ruộng không đủ làm thì chỉ có học. Học mới có nghề nghiệp, mới thoát được nghèo” – lời căn dặn của bố vẫn in đậm trong tâm trí Thịnh.
Để có tiền thuốc thang cho mình, lo cho các con, bố Thịnh không quản ngại gian khó đi làm bất kể lúc nào có việc, dù là ngày nắng hay mưa. Và rồi một ngày hè tháng 5-1999, trên đường mưu sinh bố Thịnh đã bị sét đánh. “Lúc đó mới chuẩn bị vào học lớp 1 nhưng em vẫn biết nếu nhà không khó khăn, không phải đi làm để có tiền cho em đi học thì bố không phải đi làm lúc mưa gió như thế và đã không bị sét đánh” – Thịnh kể lại trong nước mắt.
Bố mất, mọi gánh nặng đổ lên vai người mẹ. Thịnh đi học không giúp được mẹ nhiều mà đứa em thì còn nhỏ quá. Mẹ Thịnh gửi hai con nhỏ cho người bà con họ hàng xa, rồi khăn gói lên Hà Nội bắt đầu cuộc mưu sinh. Thương mẹ, cám cảnh nghèo của gia đình, Thịnh chỉ biết học.
Vò võ cả chục năm trời phiêu bạt trên Hà Nội, mẹ dành tiền nuôi Thịnh và em học hành đến nơi đến chốn. Và trả giá cho sự hi sinh này, mẹ đã mắc bệnh suy tim độ 2. Ngày cuối cấp, bạn bè háo hức chọn trường, nộp hồ sơ còn Thịnh thì “em biết gia cảnh mình thế nào, học ở làng còn đỡ, chứ nếu học ĐH thì tốn kém lắm”. Bạn bè tất bật ôn luyện, Thịnh thì vẫn mỗi ngày miệt mài phụ giúp chú thím xay đỗ, ép đậu, mang đậu phụ ra chợ làng bán.
Hiểu tâm trạng của Thịnh, mẹ động viên: “Con cứ làm hồ sơ đi thi, nếu đỗ ĐH mẹ sẽ mua thưởng con bộ máy tính”. Thịnh không muốn làm mẹ buồn, em nộp hồ sơ thi vào duy nhất Trường ĐH Điện lực và đỗ với số điểm 19,5. Nhưng ngày em nhận kết quả cũng là lúc bệnh mẹ quá nặng, bệnh viện trả về quê…
Học cho mình, cho em
“Nằm trên giường bệnh, như biết em đã đỗ ĐH mẹ chỉ nắm chặt tay em, nước mắt thấm trên gối, sức mẹ đã kiệt và em như hiểu rõ ý mẹ định nói gì. Có lẽ mẹ mừng cho em đỗ ĐH, cái siết tay như muốn bảo em hãy cố học hành. Em cứ mong mẹ quên đi lời hứa về chiếc máy tính nhưng chắc mẹ không quên…”.
Mắt đỏ hoe, Thịnh thổn thức: “Em nhận giấy báo trúng tuyển cũng là lúc mẹ không còn ở bên chúng em nữa. Mẹ mất, hai anh em bơ vơ. Em vẫn quyết học ĐH như ý nguyện của bố mẹ. Chú thím như hiểu lòng em gom hết tiền phúng viếng để em đóng học phí. Em phải học vì sau này phải thay bố, thay mẹ lo cho đứa em nữa”. Thịnh lấy trong balô tấm ảnh chân dung bé xíu, em xúc động: “Mẹ hầu như không có tấm ảnh nào cả, trước ngày mất chú gọi thợ chụp cho mẹ tấm ảnh chân dung này. Bây giờ em đi đâu cũng mang theo. Em muốn mẹ luôn bên em”.
Ngày Thịnh vào trường cũng là ngày đứa em được Trung tâm Bảo trợ xã hội 4 (Ba Vì, Hà Nội) đồng ý tiếp nhận. “Em chỉ cần được đi học, dù giữa Hà Nội phồn vinh sẽ có nhiều khó khăn, nhưng em cố ổn định cuộc sống, tìm kiếm việc làm thêm để phụ tiền học hành”.
Được tiếp tục đến trường Thịnh đã toại nguyện. Bộ máy tính mẹ hứa thưởng Thịnh trước lúc đi thi Thịnh nguyện sẽ tự đi làm thêm để mua sắm cho mẹ yên lòng.
Xế trưa, Thịnh múc nửa bát gạo cho vào nồi nấu cơm. Em mộc mạc: “Được tin báo Tuổi Trẻ tặng học bổng em mừng lắm. Mới năm đầu tiên có quá nhiều cái cần phải chi tiêu, nay được nhiều quá, em không biết dùng 5 triệu đồng này thế nào”. Miệng nói, tay Thịnh nhanh nhẹn vo gạo nấu cơm. Quanh bếp chẳng có con cá, cọng rau. Thịnh ấp úng: “Em ăn cơm không thế này cũng quen rồi…”.
ĐỨC BÌNH