Hãy mơ, và hãy sống…
TT – Nếu được trình bày bài diễn thuyết cuối cùng trước khi chết, bạn sẽ nói gì? Với Randy Pausch, giáo sư tiến sĩ Trường đại học Carneigie Mellon (Mỹ), đó là cơ hội để truyền đi thông điệp về nghị lực sống.
Ngày 18-9-2007, tại giảng đường 400 người ở Trường đại học Carneigie Mellon, GS-TS Randy Pausch đã trình bày bài giảng cuối cùng trong đời. Một tháng trước đó, ông biết tin bệnh ung thư tuyến tụy của mình đã chuyển sang giai đoạn cuối. Bài giảng dài 76 phút nhan đề "Thật sự đạt được ước mơ tuổi thơ” của một người biết mình sắp chết đã ngay lập tức trở thành hiện tượng trên toàn nước Mỹ.
Đoạn phim ghi hình bài giảng nhanh chóng lan truyền trên Internet với hơn 6 triệu lượt người xem. Nó khơi dậy nguồn cảm hứng mạnh mẽ về nghị lực sống, niềm tin vào ước mơ và ý chí biến ước mơ thành hiện thực. Ngày 8-4, quyển sách Bài giảng cuối cùng của Randy Pausch đã được xuất bản tại Mỹ.
Đối mặt với "bức tường"
Randy Pausch năm nay 47 tuổi, là giáo sư môn tin học, tương tác giữa người và máy tính, và thiết kế. Ông là cha đẻ của chương trình lập trình Alice, dạy học sinh lập trình thông qua việc làm phim và trò chơi video. Theo USA Today, hiện nay Pausch dành toàn bộ thời gian ở nhà chơi đùa với ba con, đứa lớn nhất 6 tuổi, nhỏ nhất 22 tháng tuổi. Trái với dự đoán của bác sĩ, ông đã vượt qua cột mốc "sáu tháng" và sống mạnh khỏe đến ngày nay, dù thỉnh thoảng vẫn phải nhập viện vì tác dụng phụ của hóa trị. Có lẽ tinh thần sống lạc quan đã giúp ích rất nhiều cho việc kéo dài sự sống của ông.
Bố tôi luôn dạy rằng nếu có một con voi trong phòng, hãy giới thiệu nó. Nếu bạn nhìn vào phim chụp gan của tôi, bạn sẽ thấy khoảng 10 khối u trong đó, và các bác sĩ bảo tôi còn khỏe trong vòng 3-6 tháng tới. Tin đó có cách đây một tháng, vậy bạn cứ tính xem… Chuyện là vậy đấy. Chúng ta không thay đổi được nó, mà chỉ phải quyết định sẽ phản ứng trước nó như thế nào.
. Và tôi đảm bảo với bạn tôi không trốn tránh sự thật. Không phải tôi không nhận thức được chuyện gì đang xảy ra. Gia đình tôi, ba đứa con và vợ tôi, chúng tôi vừa mới chuyển chỗ ở. Chúng tôi đã mua một căn nhà rất dễ thương ở Virginia vì sống ở đấy tốt hơn.
Một điều khác là hiện nay sức khỏe của tôi cực kỳ tốt. Thật sự tôi còn khỏe mạnh hơn đa số các bạn đấy! (Nói đến đây, ông nằm xuống sàn và biểu diễn hít đất bằng cả một và hai tay). Vậy bất kỳ ai muốn thương hại tôi, hãy xuống đây hít đất vài cái, rồi sau đó muốn thương hại tôi cũng được…
Hầu như tất cả chúng ta đều có những ước mơ tuổi thơ, ví dụ như trở thành phi hành gia, làm ra một bộ phim hoặc một trò chơi video. Đáng buồn thay, phần lớn lại không đạt được ước mơ đó. Khi còn nhỏ tôi có nhiều ước mơ rất cụ thể, như được ở trong môi trường không trọng lực, chơi cho đội bóng đá quốc gia, viết bài cho Bách khoa toàn thư thế giới, làm việc cho Hãng Disney… và tôi thật sự đã đạt được gần hết các ước mơ đó. Quan trọng hơn, tôi đã tìm ra cách để giúp những bạn trẻ thật sự đạt được ước mơ tuổi thơ của mình.
Trong quá trình thực hiện ước mơ, tôi đã gặp không ít khó khăn. Nên nhớ bức tường chắn trước mặt là có lý do của nó. Bức tường nằm ở đó không phải để cản lối bạn. Nó ở đó để cho ta một cơ hội thể hiện ta cực kỳ muốn một việc gì đó. Nó ở đó để chặn đứng những người không thật sự đam mê điều họ muốn…
Tôi sắp chết, nhưng vẫn vui sống
Tôi đã không vào được đội tuyển bóng đá quốc gia, nhưng tôi được nhiều hơn mất khi không đạt được ước mơ đó. Khi bạn thấy mình làm rất dở một việc gì đó mà chẳng ai buồn nói cho bạn biết sự thật thì đó không phải là một nơi tốt để dấn thân… Những người phê bình bạn là những người nói với bạn họ vẫn yêu và quan tâm đến bạn…
Khi tôi nói với hiệu trưởng Cohen (của Trường đại học Carneigie Mellon) rằng tôi sẽ trình bày bài nói chuyện này, thầy bảo: "Hãy nói với các sinh viên về sự vui sống, vì đó là điều tôi nhớ về thầy". Tôi trả lời: "Tôi làm được việc đó, nhưng nó chẳng khác nào cá nói về tầm quan trọng của nước". Ý tôi là tôi không biết làm sao để không vui sống. Tôi sắp chết mà vẫn rất vui vẻ. Và tôi sẽ tiếp tục vui sống mỗi ngày còn lại của đời mình vì không còn cách nào khác nữa.
Cho nên lời khuyên tiếp theo của tôi là bạn chỉ cần phải quyết định mình là Tigger hay Eeyore (tên hai nhân vật truyện tranh, Tigger là con hổ luôn yêu đời còn Eeyore là con lừa hay than thở). Tôi nghĩ lập trường của mình đã rõ trong vụ Tigger/Eeyore này.
GS Randy Pausch kết thúc bài giảng của mình bằng bản tóm tắt những bài học ông rút ra được từ cuộc sống:
– Lòng trung thành là một con đường hai chiều.
– Không bao giờ bỏ cuộc.
– Xin lỗi khi bạn làm hỏng việc và tập trung vào người khác, không phải bản thân bạn.
– Hãy xin ý kiến phản hồi và lắng nghe nó… Bất kỳ ai cũng có thể bị "nhai lỗ tai". Ít có người nào nói "Trời ơi, bạn đúng đó…". Khi người ta cho bạn phản hồi, hãy trân trọng và sử dụng nó.
– Thể hiện lòng biết ơn.
– Đừng phàn nàn. Hãy làm việc chăm chỉ hơn.
– Hãy giỏi ở một chuyên môn nào đó, nó làm bạn có giá hơn.
– Hãy tìm ra điều tốt nhất trong mỗi con người. Không có ai hoàn toàn xấu xa. Mỗi người đều có mặt tốt, hãy chờ đợi, nó sẽ xuất hiện.
– Hãy sẵn sàng. Vận may là khi sự sẵn sàng và cơ hội gặp nhau.
– Khi không đạt được điều bạn muốn, ít ra bạn cũng có được một thứ, đó là kinh nghiệm.
– Đây không phải là việc đạt được ước mơ mà là sống cuộc đời của bạn. Nếu sống đúng đắn, nhân quả sẽ báo ứng. Ước mơ sẽ đến với bạn.