Mùa hè là mùa tốt nghiệp và kiếm việc của nhiều tân cử nhân. Nhưng là sinh viên mới ra trường, bạn lấy đâu ra các kinh nghiệm cần thiết để “lấp đầy” CV trước những yêu cầu khắt khe của nhà tuyển dụng?
Sau nhiều năm trên ghế giảng đường, ngoài phần học vấn với những văn bằng và chứng chỉ thu thập được, bạn sẽ ghi gì trong phần kinh nghiệm trong CV?
Một số lời khuyên dưới đây sẽ giúp bạn làm nổi bật tiếm năng và năng lực của mình đối với các nhà tuyển dụng.
“Đóng khung” kinh nghiệm bạn có
Hãy thử mẹo sau: bạn đọc qua phần mô tả công việc và yêu cầu của nhà tuyển dụng cho vị trí ứng tuyển. Từ đó, lọc ra một số từ/cụm từ chính thường được nhà tuyển dụng nhắc đến và bạn hãy khéo léo đưa vào phần CV của mình. Ngay cả khi bạn không có đúng chính xác những kinh nghiệm đề cập trong phần yêu cầu, hãy suy nghĩ những kinh nghiệm tương tự mà bạn có.
Ví dụ, công việc yêu cầu bạn có kinh nghiệm quản trị dư án, và dĩ nhiên đây là điều không thể nào với sinh viên mới tốt nghiệp như bạn. Tuy vậy, bạn có thể đề cập đến kinh nghiệm tổ chức hay hoạch định các sự kiện từ thiện, công tác xã hội mà bạn từng tham gia khi còn ở đại học và nhấn mạnh các kỹ năng thu thập được. Hãy chắc chắn rằng các kinh nghiệm này được thể hiện thật nổi bật trong CV.
Thêm các kinh nghiệm có được từ những việc “không công”
Có nhiều việc bạn làm trong quá trình đi học nhưng không nhận lương. Đừng vội bỏ qua vì chúng mang lại cho bạn những kinh nghiệm và kỹ năng quý báu không kém. Bạn có thể đề cập kinh nghiệm có được từ các công việc tình nguyện, ghi rõ những việc phụ trách, thành tích và kiến thức tích lũy được.
Đừng quên kỹ năng mềm
Đôi khi trong buổi phỏng vấn, bạn nhận được câu hỏi như sau: “Anh/chị có từng xảy ra bất đồng với đồng nghiệp khi cùng tiến hành một dự án? Phương hướng giải quyết lúc đó là như thế nào?”
Và bạn bắt đầu run, vì mình chưa bao giờ rơi vào tình huống đó? Hãy suy nghĩ lại, bạn đã từng làm việc nhóm khi thực hiện các đề tài, hay tham gia công tác của trường? Tình huống này đã từng xảy ra và bạn đã giải quyết khéo léo? Thế thì tại sao bạn lại không liệt kê các kỹ năng mềm nhưng quan trọng này vào CV?
Theo Mark Jeffries, chuyên gia tư vấn nghề nghiệp, kỹ năng mềm là những gì cho phép bạn tạo sức ảnh hưởng đối với người khác, khơi gợi ý tưởng, tìm thông tin và thuyết phục người khác. Bạn thường có sáng kiến khi tiếp nhận dự án mới? Bạn luôn sắp xếp lại công việc để đạt hiệu quả cao nhất? Đây là đều là những kỹ năng được nhà tuyển dụng ưa chuộng.
Nhưng quan trọng nhất là trong CV, bạn không nên chỉ làm một công việc duy nhất là liệt kê những kỹ năng này. Hãy chú ý sử dụng từ ngữ mà nhà tuyển dụng dùng khi mô tả yêu cầu với ứng viên, kết hợp với việc ghi rõ các ví dụ cụ thể.
Tô điểm thêm cho phần học vấn
Ngoài chuyện liệt kê bằng cấp, bạn có thể lấy thêm điểm cho CV của mình bằng cách bổ sung thông tin về học bổng (nếu có), các hoạt động chuyên môn ngoại khóa, hoặc các tiểu luận nghiên cứu khoa học, nhất là nếu bạn có dịp hỗ trợ các giảng viên/giáo sư thực hiện một số đề tài nghiên cứu… Đừng bỏ qua bất kỳ thành tích nào, dù trong mắt bạn, có thể đó chỉ là chuyện nhỏ.
Làm nổi bật, chứ không “khoác lác”
Với nhà tuyển dụng, sự chân thành của ứng viên là yếu tố hàng đầu. Do đó, nếu bạn thật sự có kinh nghiệm bán hàng, hãy thể hiện trên CV. Tuy nhiên, đừng “hô biến” kinh nghiệm làm việc ở cửa hàng nhỏ thành nhân viên kinh doanh của công ty lớn và đừng “nói quá” về lợi nhuận đạt được hay hoa hồng thực lãnh. Gian lận trong CV dù chỉ là những điểm khoác lác cỏn con cũng khiến CV của bạn bị liệt vào “danh sách đen”.
Các tân cử nhân đều đối mặt chung một khó khăn khi bắt đầu hành trình tìm việc: thành tích học tập khá cũng chưa chắc được nhà tuyển dụng chấp nhận vì thiếu kinh nghiệm. Nhưng có thể chỉ là do bạn đã chú trọng quá mức các kinh nghiệm “lớn” mà bỏ qua những kỹ năng nhỏ. Tập hợp và mô tả logic những kinh nghiệm đa dạng có được từ các hoạt động chuyên môn, ngoại khóa và công việc làm thêm thời sinh viên sẽ giúp bạn nhanh chóng kiếm việc thành công.
-Sưu tầm-